Trại
tị nạn Camp Pendleton năm 1975.
Phản
ứng chớp nhoáng của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.
Phỏng dịch: Thềm sơn Hà
Ý nghĩ đầu tiên của Chuẩn Tướng Paul Graham khi nhận cú điện thoại ngược đời từ Washington, D.C: “Ai là người ở đường dây bên kia?”
Khó mà đổ lỗi cho vị tướng này
qua phản ứng của ông khi người gọi đòi hỏi ông thực hiện một việc không thực tế
là trong vòng 24 giờ, trại Pendleton phải được chuẫn bị để đón nhận 851 người
tị nạn Đông Nam Á, đây là đợt đầu tiên trong số 12,700 người Việt và người Miên
sẽ vào sống trong thành phố đầy dẫy những căn lều nằm trong căn cứ, chỉ trong
vòng một tuần sau cú điện thoại.
Tướng Graham giờ đã về hưu và
đang sống ở thành phố duyên hải Escondido, CA phiá bắc San Diego, cách Camp
Pendleton khoảng nửa giờ lái xe.
Khi được cấp trên giao cho trọng
trách mới, ông chỉ còn 4 ngày nữa là về hưu trong chức vụ Chỉ huy trưởng căn cứ
Pendleton.
Tướng Graham còn nhớ là vào
khoảng xế trưa ngày thứ Bảy, hầu hết các phòng sở thuộc Bộ chỉ huy đều đóng
cửa. Cú điện thoại đến từ Bộ Tư Lệnh TQLC. Sĩ Quan Tham Mưu Trưởng căn cứ bốc
điện thoại lên nghe, nội dung cuộc điện đàm là Tòa Bạch Ốc muốn biết Camp
Pendleton có thể trở thành trung tâm tiếp nhận cho một phần trong tổng số từ
130,000 đế 140,000 người dân miền Nam đã được di tản cùng với quân đội HK trong
mùa Xuân 1975.
Ngay hôm đó, Tướng Graham triệu
tập buổi hợp tham mưu để thảo luận về kế hoạch dự trù của BTL/TQLC. Ông nói với
họ: “Tôi trả lời là tôi hứa chắc chúng tôi có thể làm được điều này, nhưng nó
sẽ ảnh hưởng đến công tác thường lệ của căn cứ và chúng tôi cần rất nhiều sự
giúp đỡ”. Ông còn cho BTL/TQLC biết là căn cứ có thể chứa đến 18,500 người.
Khi ông rời văn phòng, tất cả chỉ
là dự đoán, vẫn không có tin gì mới lạ cho đến ngày thứ Hai.
Ông kể tiếp “ngày thứ Hai, như
thường lệ tôi vào văn phòng lúc 7 giờ, khoảng phút chốc sau đó BTL gọi và thông
báo quyết định giao trách nhiệm cho tôi. Tôi hỏi lại chừng nào người tị nạn đến,
câu trả lời là ngày mai 29 tháng 4, vào buổi sáng.
Điều này đã làm cho Tướng Graham
tự hỏi thầm là phải chăng ai đó ở BTL đã quên đi thực tế khi ra lệnh cho ông.
Dù sao, Tướng Graham cũng cho
triệu tập buổi họp ngay sau đó: “Tôi gọi tất cả mọi người vào đứng quanh bàn
họp, tôi bảo họ là chúng ta có một vấn đề quan trọng, rất ư là quan trọng”.
Tướng Graham đã hỏi ý và được sự
họp tác của Tư Lệnh Sư Đoàn 1 trong việc cung cấp nhân sự từ những Tiểu đoàn
Công Binh và phục dịch để lo việc dựng lên các cơ sở ở trại Talega và trại San
Onofre nằm ở tận cùng phía Bắc của căn cứ.
Trại Talega đã có sẵn các lều
bằng thiếc với mái cong hình bán nguyệt còn lại từ thế chiến thứ hai. Đây là
những tiện dụng đang có sẵn, muốn sử dụng lại, nhân viên phải dọn dẹp sạch sẽ,
ủi sạch các bụi rậm chung quanh.
Lính TQLC và lính Hải Quân (HQ) đã
làm việc không nghỉ dựng lên 1,040 lều. Những người thợ mộc làm việc mỗi ca 12
giờ, sử dụng 216,000 feet gỗ, 4,500 tấm ván và hơn một tấn đinh để cất sàn dựng
lều, nắp bàn, bản thông cáo, bậc thang nhỏ và các giàn để giặt giủ quần áo.
Trong 4 ngày tiếp theo, 20 miles
đường dây điện đã được nối liền, thêm vào đó 200 trụ điện thoại, 36 miles đường
dây điện thoại, gần 6 miles đường ống nước được lắp đặt để có thể cung cấp 941,000
gallons nước mỗi ngày.
Thêm vào đó 14 nơi tắm rữa đã
được sửa sang lại, 7 phòng tắm di động được dựng lên thêm, 60 đèn đường và 246
đèn pha cũng đã được thiết trí.
Tiểu đoàn 7 Công Binh tu sửa lại
hệ thống ống cống thoát nước chỉ trong vòng 3 ngày (trong khi những người thầu
dân sự cho hay nếu họ đảm trách phải mất từ 4 đến 6 tuần).
Hoàn tất phần chính yếu, Tướng
Graham quay điện thoại liên lạc cho phần tiếp liệu. Lần này chính ông lại là
người làm cho những người đối thoại có cảm tưởng ông là người xa rời thực tế.
Ông liên lạc Trung tâm dự trữ
tiếp liệu (các vật dụng tồn trữ ở trung
tâm này chỉ được sử dụng trong trường hợp xảy ra chiến tranh lớn) cho họ
hay những đồ dùng đầu tiên mà ông cần đến là dụng cụ nhà bếp, nệm, gối mềm và
quần áo ấm và ông nhấn mạnh với họ là ông cần ngay lập tức ‘chắc chắn họ nghĩ
tôi là người khùng’.
Ngay sau đó, những chiếc xe truck đã choán đầy trên xa lộ với lộ trình dài 16
giờ từ Ogden tiểu bang Utah đến trại Pendleton.
Với giọng cười nhẹ, Tướng Graham
nói tiếp “chúng tôi đã làm cho thị trường nhốn nháo lên khi đòi hỏi họ cung cấp
những bồn tiễu tiện cho các em nhỏ”.
Dù sao đi nữa thì “đây là một cơn
ác mộng trong vấn đề tiếp vận, là một trong những công tác lý thú và đòi hỏi
nhiều nhất đến phản ứng của TQLC mà chúng tôi đã từng đối đầu”.
Tướng Graham hồi tưởng,” chúng
tôi phải chuyền điện đến các lều. Chúng tôi phải cung cấp nước đến tận nơi đó. Có
đôi lúc chúng tôi bấn loạn lên.”
Và đó chỉ là việc liên hệ đến cơ
sở hạ tầng. Còn những người tị nạn, tự chính họ, cần phải quan tâm đến.
Tướng Graham đã có mặt đón người
tị nạn trong chuyến xe bus đầu tiên đến từ phi trường của TQLC ở El Toro. Như
đã dự đoán từ trước, những người tị nạn “bối rối, hoang mang và sợ hãi. Họ
không có ý niệm về điều gì đang xảy ra. Ngày đầu tiên là cơn ác mộng của họ”.
Và TQLC đã không giúp đỡ được gì khi không một ai có mặt tại chỗ biết nói tiếng
Việt.
“Chúng tôi phải tìm ra ai trong
họ có thể nói được tiếng Anh”
Đó là lý do vì sao “Operation New
Arrivals” bắt đầu.
Trong hầu hết các trường hợp khác,
Tướng Graham cũng sẽ về hưu như dự định của ông, nhưng hai vị Sĩ quan CHT tương
lai của trại Pendleton đã ảnh hưởng đến dự định này.
Thiếu Tướng Carl Hoffman đã sửa
soạn để thay thế Tưóng Graham trong chức vụ CHT căn cứ, ông nhớ lại “khi tôi
nhận ra số lượng đông đảo người tị nạn đến Camp Pendleton, tôi nghĩ cách tốt
nhất là nên giao cho một người khác điều hành. Tôi đã yêu cầu Paul Graham và
ông đã hoàn tất nhiệm vụ thật tốt đẹp”.
Cựu Đại Tá James J. McMonagle
cũng đã về hưu trong chức vụ CHT Camp Pendleton, lúc bấy giờ đang làm việc cho
Bộ Trưởng bộ Hải Quân đã cho biết “ Tướng Graham đã điều hành bằng phương cách
tốt đẹp nhất trong số 3 trại tị nạn. (Lúc bấy giờ ngoài Camp Pendleton còn có trại
tị nạn ở tiểu bang Arkansas và tiểu bang Pennsylvania).
Tướng McMonagle (sau này ông được
thăng cấp Tướng) nhớ lại là cũng chính ông đã đề nghị lưu nhiệm Tướng Graham để
tiếp tục điều hành trại.
Theo đúng thủ tục, Tướng Graham
về hưu và rồi lập tức được tái ngũ để tiếp tục nhiệm vụ cho đến khi trại tị nạn
đóng cửa vào tháng 10.
Trong thời gian 6 tháng mở cửa
hoạt động tại 5 khu tạm trú tị nạn đã có 50,424 người tị nạn đến trại Pendleton.
Người tị nạn gồm đủ mọi thành phần, trong bản báo cáo ngày 9 tháng 9-1975 đã
ghi nhận các chi tiết về người tị nạn như sau:
- 22-25% dưới 10 tuổi
- 1/4 còn độc thân
- 26% gia đình chỉ có 2 hoặc 3
người
- 39% theo đạo Phật
- 46% theo đạo Thiên Chúa
- 41% trình độ Tiểu học
- 27% trình độ Trung học
- 5% tốt ngiệp Đại học
Phần đông người tị nạn chỉ ở trại
khoảng vài tuần. Ngoài nhu cầu tiếp vận cho “Chiến dịch đón người tị nạn” Tướng
Graham còn quan tâm ngay đến vấn đề an ninh.
Cựu Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ từ Guam đến phi trường El Toro ngày 5 tháng 5 và tuyên bố ngay với báo chí là ông cảm thấy trách nhiệm chính yếu của ông là giúp “hướng dẫn” đồng hương tị nạn Việt Nam hội nhập vào đời sống nước Hoa Kỳ.
Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng HK
cho báo chí hay là ông Kỳ sẽ được cung cấp chỗ ở và sẽ phải thông qua các thủ
tục ở trại Pendleton như bất cứ một người tị nạn nào khác. Tướng Graham đã
quyết định sẽ thi hành điều này, ông nói: “Tôi không muốn ông Kỳ cư xử như là
một lãnh tụ của người tị nạn, vì chính ông cũng là một người tị nạn và nước Mỹ
đã không tỏ ý là họ muốn ông phối hợp hoạt động tị nạn.
Đã có rất nhiều đòn chính trị ngầm ở Việt Nam
mà chúng tôi không thích và chúng tôi không muốn ông nắm quyền chỉ huy bất cứ
việc gì.”
Tướng Graham nhớ lại là ông Kỳ đã được chỉ định vào ở trong một căn lều và có
khoảng 15 phi công ở chung với ông.
“Tôi không muốn vậy, vì như thế là ông Kỳ đã được biệt đãi và ông có thể
tuyên bố là ông là người đại diện cho người tị nạn. Họ (người tị nạn) ở đây như là những người khách của chúng tôi và
không có bất cứ ai bảo họ phải làm gì.”
Tướng Graham ngồi xuống chiếc giường bố và ông Kỳ ngồi đối
diện.”Tôi chào ông. Ông ra vẽ biết ơn và phản ứng của ông rất tích cực.”
Tướng Graham giải thích là ông Kỳ không thể có được bất cứ
một sự đối xử đặc biệt nào chẳng hạn như là có các phi công ở chung lều với ông
hay đi vào lều đứng trước những người đang sắp hàng lấy đồ ăn.
“Chúng tôi có các chuyên viên đại học, các chuyên viên ngân hàng và các tu sĩ
Phật Giáo ở trong
trại và tất cả những người này đều phải được cảm thấy là họ đã được đối xử như
nhau, nếu không sẽ trở nên hỗn loạn, sẽ có những người tìm cách điều khiển
người khác, và tôi không muốn bất cứ ai đứng ra chỉ huy ngoại trừ những người
lính TQLC. Theo Tướng Graham thì ông Kỳ đã hiểu được tình thế và bằng lòng tuân
theo.
Tướng Graham cũng đã đối phó với mối lo ngại khác về an
ninh bằng cách thức bộc trực như trên nhưng lần này ông tỏ ra bạo dạn hơn.
“Tôi có nghe qua về sự khó khăn vượt bực ở Guam (nơi mà người tị nạn đã ở trước khi vào nước
Mỹ). Dân chúng dọa đốt cháy trại. Những người tị nạn đã hò hét, la lối để
dọa nạt người ở Guam và họ không bị khó khăn gì cả trong rất nhiều lần như vậy.
Điều này đã tạo ra sự biến động và lối hành xử của họ rất khó kiểm soát. Họ
viết biểu ngữ và đe dọa lực lượng an ninh.
Ít lâu sau, một vài vấn đề quen thuộc này xuất hiện ở Camp
Pendleton. “Khi họ bắt đầu vào trại với số lượng đông trong 2 tuần lề đầu, tôi
bắt đầu nghe tin một số người sẽ làm giống như ở Guam như đe dọa biểu tình, đòi
xuất trại, làm bất cứ điều gì họ muốn.”
Tướng Graham quyết định phải áp dụng biện pháp kiểm soát
cứng rắn. TQLC đã nhận dạng “30 cá nhân” thuộc thành phần có thề gây ra xáo
trộn, họ đưa những người này đến một căn lều để Tướng Graham nói chuyện trực
tiếp với họ. “Tôi nói với họ là nếu bất cứ ai biểu tình hoặc nghĩ đến chuyện
gây trở ngại cho sự an toàn của trại, tôi sẽ không tha thứ cho họ. Nếu có điều
gì xảy ra, tôi bảo là tôi sẽ cho tập trung họ lại và nhốt vào tù.”
Lời nói của ông tỏ ra có hiệu lực. Ông nói tiếp “Họ biết
là họ không thể lẫn trốn trong số người tị nạn và nếu họ bị nhận dạng dẫn đi
với đôi tay bị còng, họ sẽ bị mất mặt.”
“Trong quá khứ, họ đã đối đầu với Việt Cộng, bọn người đã
không có chút suy nghĩ nào khi thảm sát 30 hay 40 người. Họ nghĩ tôi như là
Việt Cộng.”
Điều
hành trại tị nạn không chỉ đơn giản như là việc cung cấp cho họ chỗ ở trong
vòng vài tuần lễ nhưng còn phải tìm người bảo trợ cho họ ở khắp nơi, hoàn tất
hồ sơ bảo trợ và thủ tục xuất trại.
Tình trạng người tị nạn đã thu hút được nhiều sự lưu tâm
trong quần chúng, nhiều người và các cơ sở đã ngõ ý muốn giúp đỡ và điều này
tùy thuộc vào sự phối hợp của TQLC.
Hội Hồng Thập Tự HK đã cung cấp 1,995 người tình nguyện và
441 nhân viên phụ giúp trong văn phòng. Những người này đã hướng dẫn 20 chương
trình giúp đỡ người tị nạn trong các công tác giúp ý kiến, liên lạc đoàn tụ gia
đình cũng như cắt đặt nhân viên ở trạm điện thoại và lều ăn.
Có rất nhiều địa phương xin được cung cấp chương trình
giải trí cho người tị nạn.
Ban nhạc trường Trung học Vista cùng với trường dạy võ
Karate đã có màn trình diễn ở trại, toán dịch vụ Camp Pendleton cung cấp phương
tiện chuyên chở. Một số người gởi tiền giúp, bà Henry Assink ở Los Angeles gởi
50 đô kèm theo lá thư xin trích ra một đoạn như sau: “… một cái check Social
Security đã đến bất ngờ ngoài sự mong đợi vào ngày 19 tháng 1-1975. Tôi đã
quyết định đổi ra ngân phiếu gởi đến qúy vị để giúp đỡ vào phần thực phẩm cho
người tị nạn Việt Nam và Cam Bốt.” (Món
tiền này đã được gởi trả lại cho bà kèm theo thư của Tướng Graham, trong đó ông
cám ơn bà “đã biểu lộ một cử chỉ nhân đạo thật là cao cả”, nhưng ông giải thích
thêm là nhu cầu về thực phẩm của người tị nạn đã được chu toàn).
Và rồi có người như bà Sarah Wilkinson ở Huntsville,
Alabama đã viết trong thư đề ngày 26 tháng 6-1975: “Tôi đã cố liên lạc với
Nguyễn Văn Hoanh trong hai ngày trời (qua các cơ quan khác nhau). Người đính
hôn với anh đang ở Huntsville đã ngồi bên điện thoại suốt 2 ngày qua chờ cú gọi
của anh, cô ta quẫn trí lên vì nghĩ là anh không ngó ngàng đến cô nữa. Tôi cảm
thấy là nếu tôi có thể tìm một người lính TQLC, chúng tôi có thể giải quyết vấn
đề. Tôi nói chuyện với Hạ Sĩ Smith ở trại, cho anh biết cha tôi cũng đã từng
phục vụ trong Sư Đoàn 2/TQLC hồi Đệ nhị thế chiến và chúng tôi cần anh giúp. Vì
Hoanh nói tiếng Anh rất ít nên tôi dặn Smith gọi collect call cho tôi khi tìm
được Hoanh, tôi sẽ có người cần nói chuyện với Hoanh. Trong vòng 10 phút sau
đó, chuông điện thoại vang lên với cú gọi collect từ Hạ Sĩ Smith, anh nói: “Tôi
đang có người cô muốn tìm.” Và rồi Hoanh và cô bạn nói chuyện một cách
hứng thú trong suốt 45 phút, anh cho cô ấy biết là anh sẽ sang Huntsville ngay
sau khi cha mẹ và anh em anh ta định cư ở North Carolina. Không cần phải nói
thêm chi nhiều, cô ấy không còn cuống cuồng lên nữa và cha tôi hãnh diện vì TQLC
lại một lần nữa đã hoàn thành trách nhiệm.”
Ellen B. Holzman
(viết trong đặc san Traditions, July-August, 1996)
Vài
hàng về Chuẫn Tướng Paul Graham:
Ông sinh năm 1922 ở New York.
Gia nhập TQLC theo chương trình Officer Candidate Program. Tháng 4-1944
tốt nghiệp mang cấp bực Thiếu Úy.
Trong Đệ nhị Thế Chiến, ông tham dự các trận đánh ở Guam và Iwo Jima.
Năm 1967, với cấp bậc Đại Tá, ông thuyên chuyển qua Việt Nam giữ chức
vụ Chỉ HuyTrưởng Trung đoàn 5 thuộc Sư Đoàn I/TQLC/HK, tháng 11-1968 ông trở về
HK.
Tháng 4-1971, ông được thăng cấp Chuẫn Tướng.
Tháng 12-1973, ông được chỉ định giữ chức vụ CHT Căn Cứ TQLC Camp
Pendleton, California.
Ông về hưu tháng 7-1975, cư ngụ
tại Escondido, Ca và qua đời trong năm 2002.
Comments
Post a Comment